Hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tiêu Sơn, không khí ẩm và ngột ngạt lập tức bám vào da của Lương Uyển, vẫn dính nhớp như trong ký ức.
Trước đây, từ sân bay vào trung tâm thành phố, chỉ có thể đi taxi hoặc đến Quảng trường Vũ Lâm để bắt xe buýt. Nhưng trong mấy năm cô ở Bắc Kinh, Hàng Châu đã có thêm tuyến tàu điện ngầm số 19, vừa hay có thể đưa cô từ sân bay vào trung tâm.
Khu Cống Thụ phần lớn là những ngôi nhà cũ, cao nhất cũng chỉ sáu, bảy tầng. Nhưng nhờ vị trí đắc địa, giao thông thuận tiện, giá trị đất ở đây không hề thấp.
Nhà cũ của cô cũng nằm trong khu này, cô đã sống ở đó hơn chục năm. Nghe nói sắp quy hoạch giải tỏa, nên cứ lần lữa chưa đổi nhà. Nhưng chờ mãi, khu chung cư bên cạnh đã bị phá đi để xây ga tàu điện, con phố bên kia cũng đã giải tỏa, riêng nhà cô thì vẫn đứng vững như cũ.
Mẹ cô, Lương Liên Thấm, cuối cùng không thể đợi thêm nữa, quyết định bán căn nhà rồi chuyển đi.
Chỉ có điều, nơi bà chuyển đến cách Hàng Châu cả một Thái Bình Dương.
Quay lại đây, không thể không nhớ đến bà.
Lúc bán nhà, giá bất động sản vẫn còn cao. Dù nhà cũ và nhỏ, nhưng nhờ vị trí tốt, giá bán cũng không hề rẻ. Dạo gần đây, thị trường bất động sản ảm đạm, giá nhà còn thấp hơn lúc bán đi, tính ra thì đó là một quyết định đúng đắn.
Nhưng Lương Uyển không đầu tư, cũng chẳng quan tâm tài chính, chỉ cần cuộc sống yên ổn, nên cô không để ý mấy chuyện này.
Cô kéo hành lý đi trên phố một lúc thì cảm thấy hơi mệt. Không như ở Bắc Kinh, nơi đó vẫn còn một chốn để về, còn ở Hàng Châu, cô chẳng khác gì một khách du lịch bình thường, cũng phải ngoan ngoãn đặt khách sạn từ trước.
Hàng Châu là điểm nóng du lịch dịp Quốc Khánh, nên Tây Hồ chắc chắn không phải lựa chọn hay ho, cô cũng không muốn bị ép bẹp trên Đoạn Kiều.
Đặt hành lý xuống khách sạn xong, Lương Uyển ra ngoài kiếm đồ ăn. Hàng Châu thường bị gọi là
"vùng đất hoang của ẩm thực", nhưng thực ra cô khá thích các món Hàng Châu. Chẳng hạn như cá chua ngọt Tây Hồ, ai cũng bảo khó ăn, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn chủ động gọi.
Tất nhiên, món này ngon hay không còn tùy vào tay nghề đầu bếp và loại cá được chọn.
Có một chuỗi nhà hàng làm món cá chua ngọt khá ổn, chi nhánh gần Tây Hồ lúc nào cũng đông nghịt, cô đành chọn một chi nhánh xa hơn một chút.
Cô vừa ra khỏi khách sạn, tin nhắn của Trần Tri Nguyên đã đến.
"Đến Hàng Châu chưa? Mình hẹn mấy bạn cũ ăn tối, cậu có muốn đi không? Hầu hết là người lớp mình, nhưng cũng có vài bạn nữ lớp cậu."
Lương Uyển lấy lý do mệt mỏi để từ chối.
"Bọn mình đến đón cậu nhé? Khó lắm mới có dịp Quốc Khánh mọi người không đi xa, mới tụ họp được. Cậu đang ở đâu?"
Cô thực sự không hiểu ý nghĩa của những cuộc tụ tập với người không thân. Khi còn đi học, ít nhất còn có chuyện trường lớp để nói, còn giờ thì sao? Ngồi lại hoài niệm quá khứ à?
Chắc Trần Tri Nguyên đang đi cùng một nữ sinh lớp cô, bởi vì chỉ sau một lúc, ảnh đại diện của một người bạn học cũ bỗng nhảy lên đầu danh sách trò chuyện trên WeChat, bắt đầu thuyết phục cô.
"Lương Uyển, lần trước họp lớp ở Bắc Kinh mình không tham gia được, giờ cậu cũng về Hàng Châu rồi, gặp một chút đi. Bọn mình bao lâu rồi chưa gặp nhau rồi, không gặp nữa chắc quên mất cậu trông thế nào luôn đó."
Lương Uyển thực ra đã quên gần hết.
Cô vào trang cá nhân của đối phương xem qua, mới nhớ ra.
Lâm Tri Hân.
Hồi cấp ba, hai người là
"bạn đồng hành đọc tiểu thuyết", thường xuyên giới thiệu truyện cho nhau. Cái gì mình thích thì nhất định cũng muốn đối phương thích, mang theo sự cố chấp của tuổi trẻ.
Lúc đó, những câu chuyện ngược luyến tàn tâm đang thịnh hành, hoặc nam chính chết, hoặc nữ chính chết, hai người thỉnh thoảng lại núp trong góc trường mà khóc như đứt từng khúc ruột.
Hồi đó họ tửng rất thân nhau.
Nhưng chỉ là hồi đó thôi.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.info.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!