Chương 17: (Vô Đề)

"Anh Thanh ơi, tụi em xong rồi." Minh Dũng hớn hở nói lớn.

Duy Thanh mặc vội áo vào. Ờ, anh ra đây.

Vừa bước ra khỏi phòng, Duy Thanh đã thấy các em mình quần áo nghiêm chỉnh đứng chờ trước sân, ai nấy đều mỉm cười và mừng rỡ vì được đi chơi. Hôm nay là rằm Trung Thu và má Ba cho phép anh dẫn các em sang chùa xem múa lân. Vì năm nay là năm nhuần nên Trung Thu tới hơi trễ so với mọi khi.

Duy Thanh nắm tay cu Dũng và bé Bi. Còn cu Dũng thì nắm tay cu Huân và bé Bi thì nắm tay bé Bu. Cứ thế năm người tò te bước ra khỏi cổng. Tối nay anh đảm nhận bốn đứa em này, còn những em khác thì được các anh chị lớn dẫn đi. Trung Thu giờ cũng chả thay đổi nhiều so với anh còn nhỏ.

Vừa đi, Duy Thanh vừa nhớ lại.

Hồi đó mỗi lần tới Trung Thu là anh mừng lắm luôn, mừng thua Tết một chút chút thôi. Cứ đầu tháng tám âm lịch là anh Duy Nhân bắt đầu soạn đồ ra để làm đầu lân cho anh và các anh chị em khác chơi. Anh Duy Nhân khéo tay lắm, anh ấy mua dây thép về, sau đó uốn, bấm cắt rồi cột thành một cái khung.

Cái khung đầu lân này làm một lần nhưng có thể dùng cho nhiều năm.

Làm khung xong, anh Duy Nhân mua bột năng về hòa với nước, rồi bắt lên bếp nấu cho đặc lại. Sau đó anh ấy đi xin giấy vở, giấy báo về. Bôi keo nấu từ bột năng đó lên giấy rồi dán quanh cái khung đầu lân.

Dán nhiều lớp lắm, Duy Thanh lúc đó không những thấy anh Duy Nhân dán, mà đến anh Duy Trung, chị Ngọc Anh cũng dán phụ nữa.

Dán xong, phơi khô, sau đó anh Duy Nhân tiếp tục mua sơn về để sơn lên. Cái sừng thì lúc nào cũng được anh Duy Nhân mặc định là màu đen. Những thứ còn lại thì các anh chị em thích gì, thì anh ấy sơn lên màu đó. Mà anh Duy Nhân còn vẽ thêm lông mày, lông mi lên nữa kia.

Nói chung là đẹp lắm. Tất nhiên là đẹp vào thời đó thôi, sau này khi Duy Thanh xuống thành phố, anh mới biết thế nào là đầu lân đẹp.

Có đầu là phải có đuôi, làm đầu xong thì anh Duy Nhân tiếp tục làm đuôi lân. Cũng như cái khung, anh Duy Nhân xin má Ba những tấm rèm bỏ rồi may lại với nhau để làm đuôi và cái đuôi này cũng được dùng cho nhiều năm.

Để trang trí thêm cho cái đuôi màu vàng này, anh Duy Nhân cùng các chị đi mua những cuộn dây ni lông đỏ về.

Căng ngang một sợi dây làm chuẩn, sau đó các anh chị buộc những sợi dây nhỏ lên, nhỏ tầm khoảng vài phân. Các anh chị cứ buộc lên như vậy cho đến khi lấp đầy sợi dậy căng ngang đó. Xong việc buộc thì đến việc tách, các anh chị bắt đầu xé những sợi dây nhỏ đó ra thành những sợi nhỏ hơn.

Anh Duy Nhân sau đó đính những sợi dây ni lông đó lên đuôi lân, trông như vảy rồng vậy đó. Vì ở xóm nghèo không có đồng phục múa lân, nên anh Duy Nhân và anh Duy Trung thường mang quần dài đi học để múa. À quên, mấy anh còn cột sợi dây ni lông quanh ống chân của mình nữa.

Lân có rồi, thì giờ đến trống, xèn và ông địa. Chị Ngọc Minh vì vẽ đẹp nên chị ấy nhận trách nhiệm về việc làm ông địa. Chị lấy những miếng giấy cứng, giấy carton cắt ra thành những hình tròn, lấy cây que nhỏ đính ở giữa để làm tay cầm, đục lỗ để tạo mắt nhìn và lỗ mũi để thở.

Sau đó với tài năng của mình, chị Ngọc Minh bắt đầu vẽ và tô màu lên, thế là có mặt nạ ông địa. Tuy không đẹp bằng các mặt ông địa người ta bán, nhưng chừng đó cũng đủ cho các anh chị em chơi.

Trống thì ngày xưa đội lân bên chùa mua trống mới, do vậy anh Duy Nhân xin về. Mục đích là để đánh cho các anh chị em chơi thôi, ai dè sau này là để dùng cho múa lân. Xèn thì má Ba cho mượn mấy cái nắp nồi, nắp xoong với chảo để đánh.

Đội lân nghiệp dư được hình thành, anh Duy Nhân cầm đuôi, anh Duy Trung thì cầm đầu. Anh Hưng, bạn của anh Duy Nhân thì đánh trống, mấy chị thì đánh xèn, mấy chị thích vụ này lắm, đánh nhiệt tình luôn.

Duy Thanh và các anh chị em nhỏ thì nhận một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là cầm lồng đèn đi mở đường, đủ loại lồng đèn cả.

Múa ở nhà xong, cả đoàn dẫn nhau đi quanh xóm múa mua vui. Mọi người không cần lấy tiền, mọi người chỉ múa cho các bà con cô bác và các em nhỏ xem thôi. Mà hên cái ở xóm chỉ có hai đội lân, một là của cô nhi viện và một là của chùa.

Mà đội lân của chùa thấy đội lân của cô nhi viện thì nhường địa bàn cho luôn, và đi lên xã để múa. Chắc họ thấy anh Duy Nhân nên sợ, anh Duy Nhân trước cũng ở đội lân và bày cho họ múa.

Trung Thu hết thì anh Duy Nhân tháo đuôi ra và cầm đầu lân đi ra bãi cỏ để đốt. Đợi nó nguội xong thì anh ấy lại đem cái khung vào kho để cất cho năm sau dùng lại. Những vật dụng khác cũng vậy, trừ những cái nắp xoong của má Ba.

Ấy vậy mà mọi người chỉ chơi đầu lân được mấy năm à, sau này không có anh Duy Nhân, nên cũng chả có ai làm lân cho mọi người nữa.

Duy Thanh vẫn còn nhớ chị bé ấy.

Chị ấy ở dưới tận thành phố lận, lâu lâu hay lên cô nhi viện để làm từ thiện. Gia đình chị ấy tội lắm, lúc nào cũng đem rất nhiều đồ lên cho mọi người. Chắc má Ba thấy họ đi từ thiện nhiều quá nên má từ thiện lại luôn anh Duy Nhân cho chị bé.

Sau khi cưới, thỉnh thoảng anh Duy Nhân và chị bé hay về thăm mọi người lắm. Có điều thời gian gần đây hai người có em bé nên ít lên hẳn đi.

Trở lại với thực tại, lúc này Duy Thanh đã dẫn các em tới chùa. Sau khi anh Duy Nhân ở rể, anh Duy Trung quay lại đội lân của chùa và tới Trung Thu thì cả nhà đều dẫn nhau qua chùa để xem múa lân. So với ngày xưa thì đội lân của chùa bây giờ khác lắm.

Đầu lân không cần làm nữa mà các phật tử mua ở dưới phố rồi đem lên cúng dường. Đầu lân đẹp lắm, lấp lánh bởi các ánh kim tuyến, mắt lân còn có đèn, đuôi lân thì khỏi phải nói, đến nỗi mọi người còn có đồng phục nữa kia.

Các em, nhất là Minh Dũng, thấy lân là mừng hết lớn. Cu cậu cứ nhảy cẵng lên trông rất tội. Sân chùa rộng lắm nên mọi người đứng xem đông nghịt. Văn Vũ sau đó mang nước tới cho Duy Thanh và các em, có cả kẹo bánh nữa.

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.info.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!